(Tin sock) – Chiều 11/10 là một buổi chiều “bình yên” của người dân thôn Cẩm Thành, khi ngôi nhà của cặp vợ chồng Phạm Văn Long và Vũ Thị Hường bỗng yên ắng lạ lùng.

Ngôi nhà nơi xảy ra án mạng

Ngôi nhà nơi xảy ra án mạng

Yên ả bởi lẽ, bình thường, không ngày nào mà vợ chồng họ không cãi vã, để rồi thường kết thúc bằng việc người chồng “tặng” vợ những trận đòn “thừa sống thiếu chết”…
Buổi chiều hết bình yên, xóm nhỏ náo loạn khi một người hàng xóm lò dò sang chơi, hét lớn vì phát hiện chị Vũ Thị Hường (SN 1979) nằm bất động trên giường, sàn nhà loang lổ vết máu. Trong cảnh tượng khủng khiếp đó, đối tượng Phạm Văn Long (SN 1972), trú tại xã Cẩm La, Thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh, là chồng nạn nhân vẫn thản nhiên ngồi… uống nước chè.
Tiếp nhận thông tin, công an xã nhanh chóng tiếp cận hiện trường, đưa nạn nhân đi cấp cứu nhưng do thương tích quá nặng gây mất nhiều máu, nạn nhân tử vong vào tối hôm đó. Công an Thị xã Quảng Yên ngay lập tức tạm giữ nghi can số một chính là chồng của nạn nhân.
Tại cơ quan điều tra, đối tượng không hề có vẻ hoảng loạn, còn tỏ thái độ bất hợp tác, ban đầu không chịu trả lời bất kỳ câu hỏi nào của các điều tra viên.
Khám nghiệm hiện trường, cảnh sát thu được một chiếc xà beng dính máu nghi là hung khí gây án, là loại xà beng một đầu dẹt một đầu nhọn, thường dùng để đục bê tông. Khám nghiệm tử thi, cảnh sát nhận thấy nạn nhân bị sát hại bởi nhiều vết thương chí mạng vào vùng đầu, mặt. Sau khi so sánh đối chiếu, cơ quan chức năng xác định những vết thương này do chính chiếc xà beng gây ra, đối tượng Long là thủ phạm giết vợ.
Tìm về địa phương nơi xảy ra thảm án, những người hàng xóm cho biết nạn nhân vốn là người hiền lành, chịu thương chịu khó. Từ lâu, chị phải sống cảnh “ăn cơm chan nước mắt”.
Theo các nhân chứng, cưới nhau hơn 10 năm trời nhưng vợ chồng họ thường xuyên xảy ra cảnh “cơm không lành canh không ngọt”. Trong khi người vợ làm việc quần quật cả ngày, hết việc đồng áng lại chăm lo gia đình, thì người chồng chỉ chơi bời lêu lổng, không chịu lao động, cũng chẳng làm gì giúp vợ. Long có tật nghiện rượu và mê cờ bạc. Nhà có đồng tiền nào, gã lập tức mang đi “nướng” hết vào những cuộc đỏ đen, nhậu nhẹt.
Long còn nổi tiếng là đối tượng vũ phu. Bất kể say hay tỉnh, cứ thấy chuyện gì trong nhà không vừa mắt là gã trút đòn lên vợ. Hàng xóm nhiều lần chứng kiến gã chồng tàn ác này đánh vợ không run tay. Đấm đá chán, gã vớ gì phang nấy. Vật dụng trong nhà từ cái bát, nồi cơm đến cái vô tuyến đều bị hư hỏng chính vì “thói quen” đánh vợ “vô tội vạ” này.
Nhiều năm bị bạo hành, nhưng lạ một nỗi là người vợ cứ cúi đầu nhẫn nhục. Thậm chí khi các đoàn thể chính quyền vào cuộc can thiệp, chị vẫn không dám tố cáo những hành vi vũ phu của chồng. Được đà lấn tới, những lúc rượu vào lời ra, gã chồng từng hùng hồn tuyên bố: “Vợ tao, tao dạy. Không đứa nào có quyền ngăn cấm”.
Một số nhân chứng cho biết, trước ngày xảy ra án mạng, do quá sợ bị chồng đánh, nạn nhân đã trốn đến nhà bố mẹ đẻ ở thành phố Uông Bí. Tuy nhiên, người mẹ khuyên con gái nên trở về để lo cho chồng con. Nạn nhân đành phải nghe lời. Có lẽ chính hành động tự ý bỏ đi này đã khiến gã chồng xuống tay sát hại vợ.

Người chồng vũ phu Phạm Văn Long

Sau thảm án, ngôi nhà của nạn nhân lạnh lẽo như nhà hoang. Hàng xóm cho biết chỉ ban đêm, cha mẹ của hung thủ mới mở cửa nhà để vào thắp hương lên ban thờ con dâu xấu số. Nhưng tội nghiệp nhất vẫn là những đứa trẻ ngây thơ, vô tội. Cha bị tạm giam, mẹ đã vùi dưới 3 thước đất, những đứa con cũng phải chia lìa. Đứa lớn gần 10 tuổi sang sống cùng ông bà nội ở gần đó. Đứa nhỏ mới 5 tuổi thì được ông bà ngoại đón về nuôi. Hai đứa trẻ đang có cả cha lẫn mẹ, bỗng rơi vào cảnh mồ côi.
Một cảnh sát tham gia điều tra vụ án cho rằng án mạng xuất phát từ những mâu thuẫn vụn vặt trong cuộc sống gia đình. Người chồng trong cơn nóng giận, thiếu kiềm chế đã ra tay sát hại vợ bằng hành vi quá độc ác. Tìm hiểu sâu xa hơn, nguồn cơn cũng đến từ chính sự nhu nhược của nạn nhân. Thái độ cam chịu ấy đã tiếp tay cho sự hung hãn của người chồng, để rồi đến một ngày, trở thành tận cùng tội ác.
Đồng thuận với nhận định nêu trên, bà Đinh Thu Minh, chuyên gia tư vấn các vấn đề về bình đẳng giới (Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam) cho biết: “Có nhiều nguyên nhân dẫn đến các vụ bạo lực gia đình, nhưng một trong số đó chính là sự im lặng, cam chịu và sự hạn chế về hiểu biết pháp luật của phụ nữ. Người phụ nữ không dám lên tiếng để bảo vệ chính mình, vô tình đã dung túng cho hành vi bạo lực của người chồng”.
Là người có chuyên môn lâu năm tư vấn về Bình đẳng giới, bà Minh cho rằng điều này xuất phát một phần từ quan niệm truyền thống của phụ nữ Á Đông. Khi bị chồng bạo hành, chị em thường có tâm lý “xấu chàng hổ ai” nên đành cam chịu một mình. Họ chỉ cầu mong vào sự tỉnh ngộ của người chồng, sự giúp đỡ của người thân mà rất ít khi nhờ đến sự giúp đỡ của chính quyền. Nếu người vợ ngay từ khi mới bị chồng bạo hành mà có thái độ cứng rắn, dẹp bỏ tâm lý e dè, cam chịu; kiên quyết nhờ cậy chính quyền can thiệp, thì có lẽ hậu quả đã không thảm thương như thế.
Theo bà Minh, chị em cần biết kiến thức về Bình đẳng giới, cần tìm hiểu các quy định liên quan như Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Bộ luật Hình sự… Trong trường hợp chị em ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, ít có cơ hội tiếp cận thông tin thì có thể tìm đến các cấp Hội liên hiệp phụ nữ, các đoàn thể cấp xã, phường; xa hơn một chút là các Trung tâm tư vấn của phụ nữ, Trung tâm trợ giúp pháp lý, luật sư… để tìm hiểu các quy định liên quan, trang bị kiến thức làm “vũ khí” bảo vệ mình.

Theo: xahoi.com.vn

Thể Loại: Tin mới lạ